In Praise of Marx

Terry Eagleton – The Chronicle of Higher Education (April 15, 2011)
Nguồn: http://chronicle.com/article/In-Praise-of-Marx/127027/
LÝ NGUYÊN DIỆU phỏng dịch cho Viet-studies

LỜI NGƯỜI DỊCH – Tác giả bài nầy là Tiến sĩ Terry Eagleton, giáo sư trường Đại học Lancaster ở Anh, National ở Ái Nhĩ Lan và Notre Dame ở Mỹ. Tác phẩm mới nhất của ông là “Why Marx Was Right” (“Tại Sao Marx Có Lý”) do Đại học Yale xuất bản năm 2011. Bài dưới đây, nói về nội dung của Mác-xít, được coi như nằm song song với một trường phái khác cũng bênh vực Marx nhưng đặt trọng tâm trên sự sai lầm lịch sử là Mác-xít đáng lẽ không nên được khởi đầu áp dụng ở một nước Nga nông nghiệp mà ở một nước Anh kỹ nghệ.

Riêng với người Việt-Nam, bài nầy được phỏng dịch từ tiểu luận In Praise of Marx đăng trên The Chronicle of Higher Education (tuần báo của giới đại học Mỹ) số 15-4-2011, trong hoàn cảnh đất nước đang đối diện hiểm họa xâm lăng, với tinh thần: Để chống một ngoại xâm khủng khiếp và gần kề như Trung Cộng thì nên tạm quên nội loạn vì hai lý do. Một là trong nội loạn, chắc hẵn phe nào cũng có người tốt người xấu (như chủ nghĩa Mác-xít chắc hẵn cũng có điều đúng điều sai, qua chứng minh trong bài nầy). Vậy thì nếu vận nước còn tốt, những “người tốt” trong hai phe “nội loạn” sẽ có thể vượt lên trên những dị biệt để cùng nhau chung sức cứu được nước. Lý luận nầy có vẻ lạc quan nhưng là một lạc quan chí thiết. Chí thiết vì lý do thứ hai là nếu để cho ngoại xâm thành công thì không còn gì nữa mà “nội loạn” với nhau.

CA NGỢI MARX

Terry Eagleton

Bây giờ mà ca ngợi Marx thì cũng giống như khen tặng Tần Thủy Hoàng. Phải chăng vì tư tưởng của Marx mà đã có hàng triệu người bị thảm sát, đày đọa, hàng trăm triệu người bị đói khổ, tự do bị cướp đoạt bởi những nhân vật tên là Stalin, Mao Trạch Đông? Sự thật là khi nói Marx chịu trách nhiệm về những thảm hoạ trong thế giới Cộng sản thì cũng như nói Chúa Giê-su chịu trách nhiệm về Toà án Dị giáo và cuộc thánh chiến Chữ Thập Ác dài 200 năm. Sự thật là Marx đã viết ra một lý thuyết (trong tác phẩm đồ sộ “Das Kapital”) phân giải phương cách hữu hiệu cho một hệ thống kinh tế Tư bản được sử dụng để đạt công lý và sung túc cho người dân. Lý thuyết nầy bắt nguồn từ những nhận xét đầy phẩn nộ của ông đối với những xã hội tràn ngập bất công và nghèo đói ở Anh, ở Ái Nhĩ Lan, ở Ấn Độ trong thế kỷ 19. Và những phong trào chính trị giúp các dân tộc nhược tiểu lật đổ đế quốc đã bắt nguồn từ tư tưởng của ông nhiều hơn từ bất cứ tư tuởng của ai khác trong thế kỷ 20.

Trong thế kỷ 19, những tác phẩm của Marx có thể tóm gọn trong những câu hỏi khó trả lời. Tại sao giới tư bản Tây phương có khả năng sản xuất và tích tụ được những tài sản kếch xù chưa từng có mà lại bất lực không dẹp được nghèo đói và bất công? Cơ chế nào đã giúp một thiểu số trở nên rất giàu và tạo một đa số rất nghèo? Tại sao hai thực thể rất giàu và rất nghèo nầy lại có thể tồn tại song hành với nhau trong cùng một xã hội? Có phải bản chất nội tại của hệ thống Tư bản đã chứa sẵn bất công và chiếm đoạt?

Điều mâu thuẫn là một tác giả ít tiền như Marx lại viết rất nhiều về tiền bạc của hệ thống Tư bản. Vậy mà ông đã có thể phân tích những mâu thuẫn, vạch trần những động lực, nghiên cứu lịch sử và tiên đoán ngày tàn của chế độ Tư bản. Nói như vậy không phải để suy ra là Marx coi Tư Bản là một Chuyện Xấu. Ngược lại, ông đã ca ngợi hết lời giai cấp đã tạo ra hệ thống Tư bản (điều mà cả hai phe chống và khen Marx đều im lặng một cách tùy tiện). Marx đã công nhận chưa có một hệ thống xã hội nào cách mạng như vậy trong lịch sử. Chỉ trong vài trăm năm mà giới Tư bản trung lưu đã loại bỏ hầu hết tàn tích của chế độ Quân chủ. Họ đã gầy dựng những kho tàng văn hoá và vật thể, đưa ra khái niệm nhân quyền, giải phóng nô lệ, lật đổ độc tài và đế quốc, tranh đấu cho tự do và thiết lập nền móng cho một nền văn minh thực sự cho toàn cầu. Thật là không có một văn bản nào ca ngợi Tư bản như Bản Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản, kể cả tờ Wall Street Journal.

Tuy vậy, đây dĩ nhiên chỉ là một phần của câu chuyện. Nhiều người coi lịch sử là một nối tiếp của những tiến bộ, nhiều người lại coi lịch sử là một đêm dài đầy ác mộng. Marx coi lịch sử gồm cả hai: Mỗi văn minh tiến bộ lại đem theo những dã man mới. Marx đồng ý với những khẩu hiệu của giới trung lưu:“Tự Do, Công Bằng, Bác Ái” nhưng ông đặt vấn đề vì sao những khẩu hiệu tốt đẹp đó lại phải được thực hiện bằng những bạo động, những nghèo đói và những bóc lột. Chế độ Tư bản đã sử dụng nhân lực một cách hữu hiệu nhưng người dân vẫn phải làm việc cật lực hơn cả thời đại đồ đá. Lý do dĩ nhiên không phải vì thiếu tài nguyên mà vì chế độ Tư bản theo đuổi Quyền Lực và Lợi Nhuận một cách ham hố đến mức biến đổi các quốc gia yếu kém thành thuộc địa, con người thành nô lệ cho một loại thực dân mới. Đồng thời tạo ô nhiễm, nạn đói và chiến tranh. Một số người chống Marx sẽ kể ra những cuộc tàn sát tại Nga Sô và Trung Cộng. Nhưng họ cũng nên kể thêm những cuộc tàn sát của hàng triệu dân lành tại Á châu và Phi châu khi các lực lượng Tư bản, Phát-xít, Thực dân, Đế quốc gây chiến với nhau. Ngày nay, trong khi hầu hết những người theo Marx đều lên án Stalin, Mao thì một số các nhà trí thức Tư bản vẫn còn tìm cách biện minh cho cuộc oanh tạc thành phố Dresden hoặc sử dụng bom nguyên tử trên Hiroshima & Nagasaki. Tôi cũng muốn hỏi bạn có còn nhớ ngày 11 tháng 9, cách đây 38 năm? Đó là ngày nước Mỹ giúp tướng Pinochet lật đổ chính quyền dân chủ của Tổng thống Allende với hậu quả là con số nạn nhân Chí-Lợi sau đó của nhà độc tài Pinochet đã vượt qua nhiều lần hơn con số gần 3,000 nạn nhân Mỹ đã chết trong ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại Nữu Ước.

Marx không phải là một người mơ mộng, lý tưởng mà là một người thực tế. Ông tin thế giới có thể trở nên tốt đẹp hơn. Trong những năm của thập niên 1840, ông tin nước Anh có đủ thực phẩm để giúp Ái Nhĩ Lan tránh được một nạn đói khổng lồ. Vấn đề, theo ông, là cách tổ chức tiến trình sản xuất để cho người làm sản xuất không bị bóc lột bởi người nắm quyền sản xuất. Theo ông, viễn ảnh duy nhất của tương lai là sự thất bại của hiện tại. Trong thời đại Trung Cổ, những người bênh vực chế độ Quân chủ đã tuyên bố chủ thuyết Tư bản không thể nào thành công vì đi ngược lại với bản năng tự nhiên của con người. Ngày nay một số nhà Tư bản cũng nói như vậy về chủ nghĩa Xã hội. Chúng ta thường có khuynh hướng tuyệt đối hoá vấn đề. Chủ nghĩa Xã hội dĩ nhiên sẽ không làm sạch được xã hội. Sẽ vẫn còn những bất công, tham nhũng, độc tài, … nhưng ít ra là không có những trường hợp quá độ của Enron, của Bernard Madoff, …

Trong Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản, người ta thấy Marx là một nhà tư tưởng đầy nhân đạo. Theo ông “sự tự phát triển của mỗi cá nhân là điều kiện tạo sự phát triển của cộng đồng.” Điều khó tin hơn nữa, nếu ta đọc kỷ bản Tuyên Ngôn nầy để thấy Marx là người tin vào tính cách duy nhất của mỗi cá nhân. Điều gọi là “duy vật” của Marx thật ra bắt nguồn từ ý nghĩa vật thể, thân xác của con người. Một xã hội tốt, theo Marx, là một môi trường mà mỗi cá nhân có thể nẩy nở khả năng theo đúng cách riêng của mình. Theo bước chân của Aristotle, mục tiêu luân lý của Marx là sự tự phát triển cá nhân một cách thoải mái. Điều đặc biệt của Marx là ông quan niệm sự phát triển nầy phải tự phát và đồng thời phải liên hệ với tha nhân. Ở mức độ giữa cá nhân với cá nhân thì đây là tình yêu. Ở mức độ chính trị thì đây là xã hội chủ nghĩa. Theo Marx, xã hội chủ nghĩa là một cơ chế có thể tạo điều kiện tốt đẹp nhất giúp cho sự giao thoa phát triển giữa người và người được nẩy nở. Một cách thực tế là so sánh hai hãng xưởng với một bên là lực lượng công nhân làm việc cho lợi nhuận của một người chủ và một bên là lực lượng công nhân làm việc cho lợi nhuận được chia sẻ đồng đều cho mọi người.

Mục tiêu của Marx không phải là lao động mà là giải trí. Vâng, lý do quan trọng nhất để theo chủ nghĩa xã hội là được nhàn hạ, nếu bạn cũng thích nhàn hạ như Oscar Wilde chỉ muốn nằm dài lai rai nhấp rượu và đọc sách cho nhau nghe. Nhưng điều quan trọng theo Marx thì sự nhàn hạ nầy phải là sự nhàn hạ của tất cả xã hội chứ không chỉ dành riêng cho một thiểu số. Chính Marx cũng là một người thích thưởng ngoạn văn nghệ, đàm luận những chủ đề văn chương, văn hoá. Dĩ nhiên ông cũng là một người vô thần. Vì tuy chủ trương cách mạng nhưng ông không thể chấp nhận, chẳng hạn, một Ngày Tận Thế, với bao nhiêu nạn nhân bị đày đọa vì những tội vô nghĩa lý như Tội Tổ Tông. Vì vậy mà ông nghĩ những quốc gia như Mỹ, Hoà Lan, Anh có thể tiến đến xã hội chủ nghĩa mà không cần cách mạng. Lịch sử có những cuộc cách mạng đẫm máu và những cuộc cách mạng ôn hoà. Ngay cả biến cố lật đổ Nga Sô-viết cũng được coi như một cuộc cách mạng không đẫm máu.

Hãy kể ra một vài lãnh vực mà chủ thuyết của Marx cần được làm sáng tỏ:

– Ông không chấp nhận sự thống trị của nhà nước, không khác gì Tea Party của Mỹ hiện nay muốn hạn chế tối đa quyền lực của chính phủ.

– Trước khi có phong trào đòi hỏi Bình Quyền cho phụ nữ trong những năm 1960, những nước theo xã hội chủ nghĩa đã coi vấn đề nầy như một phần của giải phóng chính trị. Ngay trong chữ vô sản (“proletariat”), gốc của chữ “proles” có nghĩa là “con cái” rất liên hệ với vai trò của người đàn bà. Hiện nay, trong những quốc gia thuộc thế giới đệ tam, nếu ta nhìn ra những ruộng đồng, trong những hãng xưởng, đàn bà vẫn là đa số trong thành phần vô sản cần được giải phóng.

– Trong những năm đầu thế kỷ 20 (1920, 1930), khi người da đen ở Mỹ chưa được đi bầu, những người kêu gọi bình đẳng cho người da màu, chống lại kỳ thị chủng tộc là những người Cộng sản.

– Hầu hết những phong trào chống thực dân đều được bắt nguồn từ tư tưởng của Marx.

– Tư tưởng gia Ludwig von Mises công nhận xã hội chủ nghĩa là “một phong trào cải cách hùng mạnh nhất trong lịch sử đã được sự ủng hộ và đã ảnh hưởng đủ mọi tầng lớp của đủ mọi quốc gia.” Nhưng nếu Marx còn sống thì ông cũng phải nhũn nhặn công nhận đạo Thiên Chúa cũng hùng mạnh và ảnh hưởng trên toàn cầu như vậy.

– Một trong những lo âu của Marx là môi trường sống có thể bị phá hoại vì nhu cầu của tiến bộ kinh tế. Theo Marx, thiên nhiên phải là đồng minh chứ không nên là kẻ thù của chúng ta.

Câu hỏi đặt ra để kết luận là:

Vì sao lúc nầy chúng ta cần xét lại giá trị của chủ thuyết Mác-xít? Câu trả lời, buồn cười thay, là vì chủ nghĩa Tư bản.

Bạn có nghe những nhà tư bản từ Á sang Âu liên tục ta thán về những vấn đề của chủ nghĩa Tư bản? Những khủng hoảng kinh tế trên toàn cầu thúc đẩy chúng ta phải đặt lại vấn đề về một chủ nghĩa Tư bản mà chúng ta đang sống chết với nó. Và chính bản Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản của Marx sẽ giúp chúng ta đặt lại vấn đề nóng bỏng nầy. Tác phẩm nhỏ bé viết ra cách đây hơn một thế kỷ rưỡi đã dự đoán Tư bản sẽ được toàn cầu hoá và sự bất bình đẳng sẽ càng ngày càng lớn. Tất nhiên là Bản Tuyên Ngôn nầy không có câu trả lời cho mọi câu hỏi liên quan đến nền kinh tế của thế kỷ 21. Nhưng điều quan trọng là chúng ta không nên tuyệt đối hoá và khái quát hoá một chủ thuyết của một đại tư tưởng gia như Karl Heinrich Marx.

LÝ NGUYÊN DIỆU phỏng dịch

Người dịch gửi cho viet-studies ngày 29-6-11

About Văn Ngọc Thành

Dạy học nên phải học
Bài này đã được đăng trong Archives, Articles, Teaching và được gắn thẻ , , , , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này